đạo đức của hoa hậu

Trần Ly Ly: ‘Đừng kết luận đạo đức hoa hậu được mẹ nâng váy’ Biên đạo múa cho biết, chị không bất ngờ về câu chuyện về hoa hậu Thái Lan quỳ...


Trần Ly Ly: ‘Đừng kết luận đạo đức hoa hậu được mẹ nâng váy’

Biên đạo múa cho biết, chị không bất ngờ về câu chuyện về hoa hậu Thái Lan quỳ lạy mẹ làm nghề nhặt rác và cũng không trách móc hoa hậu Việt được mẹ cúi xuống sửa sang chân váy.

Biên đạo múa Trần Ly Ly – giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 – chia sẻ với Zing.vn quan điểm của chị về câu chuyện đang gây xôn xao cư dân mạng trong vài ngày gần đây.

Cách đây ít ngày, tôi đã đọc câu chuyện về chàng trai tốt nghiệp đại học Chulalongkorn danh tiếng của Thái Lan về quỳ lạy trước mặt cha làm nghề lái xe chở rác.

Câu chuyện về chàng trai ấy đã khiến tôi có chút suy nghĩ.

Trước đó, báo chí Việt Nam cũng đăng tải câu chuyện xúc động về một cô gái trẻ Thái Lan vừa quỳ lạy bên đường vừa dâng quà tặng người mẹ làm nghề quét rác. Câu chuyện được đưa vào dịp lễ Vu Lan nên khiến rất nhiều người xúc động. Báo chí và dư luận ngợi ca đó là một hình ảnh đẹp và nhiều người đã khóc khi đọc câu chuyện.

Khi đọc bài về cô gái 17 tuổi đăng quang Miss Uncensored News Thailand 2015 về quỳ lạy trước mặt bà mẹ làm nghề nhặt rác, tôi đã bớt đi phần nào bất ngờ, và giảm đi ít nhiều rung động.

Đọc liên tiếp những câu chuyện về việc các bạn trẻ quỳ lạy cha mẹ làm nghề quét rác ở Thái Lan khiến tôi băn khoăn.



Biên đạo múa Trần Ly Ly nổi tiếng khi ở vị trí giám khảo chương trình như Bước nhảy hoàn vũ. Năm 2014, chị được mời vào vị trí giám khảo của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Tôi đặt câu hỏi, liệu đó có phải là văn hóa của Thái Lan? Họ vốn có thói quen quỳ lạy trước cha mẹ, quỳ lạy đức Phật. Hay, những người trẻ ở Thái Lan đang được thụ hưởng một nền giáo dục văn minh về sự bày tỏ lòng hiếu thuận với các bậc sinh thành làm nghề lao động chân tay vất vả? Thậm chí tôi còn đặt câu hỏi, hay đó là một trào lưu mới ở Thái Lan?

Tôi hơi xấu tính đúng không? Nhưng, trong mọi sự việc, tôi luôn muốn mình có cái nhìn thận trọng, không bị dư luận cuốn đi, và hùa theo một cách cảm tính.

Sự thật từng chứng minh, có những hành động hiếu thuận chân thật, và cũng có cả những hành động hiếu thuận được dàn dựng. Sự chân thật luôn khiến cả thế giới xúc động (không chỉ chúng ta), còn sự dàn dựng luôn khiến chúng ta cảm thấy bẽ bàng. Giống như khi tôi được xem một vở múa tuyệt đẹp và hôm sau biết tin vở múa ấy đạo ý tưởng vậy.

Nhưng trên tất cả, tôi khẳng định, hình ảnh người con quỳ lạy cha mẹ mình là một hành động đẹp. Cái đẹp giản dị và đầy rung cảm giữa đời thường. Tôi cũng cho rằng, hành động ấy chỉ đẹp khi đặt trong bối cảnh văn hóa phù hợp, cụ thể ở đây là Thái Lan.

Nếu ngày mai có một cô gái Việt Nam quỳ lạy cha mẹ mình bên đường, tôi không thấy vẻ đẹp nào ở đó nữa. Người Việt Nam không có văn hóa quỳ lạy để bày tỏ sự hiếu thuận với cha mẹ. Với tôi, mọi sự cóp nhặt, bắt chước trong nghệ thuật cũng như trong đời thường đều lố bịch.

Có vô vàn cách thức để người ta có thể bày tỏ tình yêu thương đối với cha mẹ mình. Không phải cứ quỳ lạy cha mẹ bên đường, chụp ảnh lên- mới là đẹp.

Người mẹ A mong con học giỏi, người con luôn nỗ lực học giỏi để mẹ vui lòng, đó là một vẻ đẹp của lòng hiếu thảo. Người mẹ B mong con sống chân thành, đối xử tốt với những người xung quanh, người con biết sống tốt để làm mẹ tự hào, đó cũng là một vẻ đẹp khác của lòng hiếu thảo. Hay, một bà mẹ trong cơn bạo bệnh nằm liệt giường được đứa con chăm sóc tận tình đêm ngày không kêu ca một tiếng, đó là một câu chuyện đầy xúc động về lòng hiếu thảo.



Cư dân mạng đã làm phép so sánh giữa câu chuyện Hoa hậu Thái Lan quỳ lạy mẹ và câu chuyện Hoa hậu Kỳ Duyên bắt mẹ xách váy, vác va li, thậm chí còn to tiếng, quát mắng bố khi không mang giày tập đến phòng gym…

Theo tôi, sự hiếu thảo chân thật, xuất phát từ yêu thương, kính trọng mẹ cha sẽ không cần phải phô trương, tự bản thân nó có vẻ đẹp riêng, và lúc nào cũng khiến những người như chúng ta xúc động.

Điều quan trọng nhất như tôi đã khẳng định, trong mọi câu chuyện phải xét đến từng tình huống cụ thể, đặt trong bối cảnh văn hóa cụ thể. Khi phán xét một con người cũng vậy, phải đặt trong từng ngữ cảnh cụ thể. Đừng nhìn thấy một hoa hậu để mẹ nâng váy là vội kết luận ngay về đạo đức cô ấy. Có thể do người mẹ luôn sẵn sàng sửa váy cho con? Có thể vì người mẹ muốn con gái mình đẹp hơn? Có thể họ đang rất vội? Có thể chiếc váy quá đẹp đang làm vướng đôi chân dài? Có rất nhiều câu chuyện đằng sau một hành động.

Ở Việt Nam, có rất nhiều bà mẹ sẵn sàng nâng váy, sửa áo cho con. Mẹ tôi cũng sẽ sửa váy giúp tôi khi cần. Hãy xét mọi việc từ căn nguyên của nó. Không phải ai sinh ra cũng đẹp sẵn, cũng có lòng nhân hậu, vị tha sẵn có. Đó là cả một quá trình cảm thụ, vấp ngã và lớn lên. Trong đó, tôi cho rằng, giáo dục đóng vai trò quan trọng, nhất là giáo dục trong gia đình. Tôi luôn dạy các con tôi về lòng nhân, tình yêu thương, và cả tính độc lập trong cuộc sống riêng.

Tôi nhớ đến câu chuyện về nụ cười đã từng được nghe. Một nụ cười cũng có thể làm thay đổi cái ác. Mỗi ngày chỉ cần như thế thôi.

Ở xóm tôi ở, có chị quét rác đang nuôi 2 con học đại học. Gặp ai chị ấy cũng cười tươi, chào hỏi. Có lần, chị ấy nhặt được một lọ hoa. Chị ấy nghĩ tôi thích hoa nên đã tặng tôi cái lọ hoa ấy. Tôi rất quý bởi nhìn thấy vẻ đẹp trong sự chân thành của chị.

Và tôi thầm nghĩ rằng, có một người mẹ tốt như thế, một người mẹ đẹp như thế, hẳn 2 người con đang học đại học của chị rất tự hào. Những người có trí tuệ lớn, có tình yêu lớn luôn biết tự hào về bản thân và biết trân trọng cội gốc của mình.

Chối bỏ, tệ bạc với nguồn gốc chỉ là hành động của những kẻ hèn kém, khổ sở.

nguồn:giaitriviet.com

You Might Also Like

0 nhận xét

Flickr Images